Bạn biết không, hầu hết các loại găng tay cao su không chỉ có một độ dày cố định. Tùy theo loại, tùy theo mục đích công việc mà găng tay sẽ được sản xuất với các độ dày mỏng khác nhau, đáp ứng những nhu cầu khác nhau. Cùng S&S Glove tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Găng tay dày và găng tay mỏng
Giống như những loại găng tay cao su khác, găng tay nitrile có nhiều mức độ dày mỏng khác nhau. Độ dày của găng tay được đo bằng đơn vị “mil”. Người ta dựa trên những chuẩn cụ thể để xác định xem đó là găng tay dày hay mỏng.
Găng tay có độ dày nhỏ hơn 2 mil được xem là găng tay mỏng. Những chiếc găng có độ dày lớn hơn 2 mil nhưng ít hơn 4 mil thì xem là găng tay vừa phải. Đối với loại găng dày từ 6-8 mil thì được gọi là găng tay dày. Đối với găng tay y tế hoặc găng tay công nghiệp thì độ dày thường dao động từ 4-8 mil.
Về lý thuyết, bất kỳ chiếc găng tay nào dù dày hay mỏng cũng sẽ thực hiện được chức năng của nó trong công việc. Tuy nhiên, trong thực tế, các thông số khác nhau sẽ ảnh hưởng kha khá đến cách găng tay xử lý các tác vụ khác nhau. Độ dày găng tay là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến đáng kể đến khả năng bảo vệ và cảm giác tay khi đeo găng. Găng tay dày thường sẽ có mức độ bảo vệ và chống thủng rách tốt hơn so với găng tay mỏng.
Độ dày của găng tay và mục đích công việc
Độ dày của găng tay nitrile thường được ghi rõ trên vỏ hộp. Tuy nhiên, độ dày của găng tay nitrile không đồng nhất mà chúng sẽ thay đổi tùy vào từng bộ phận. Do đó, con số hiển thị trên vỏ hộp thường là độ dày được đo ở phần ngón của găng tay.
Nguyên nhân là vì người ta cho rằng, ngón tay là phần tiếp xúc và thực hiện nhiều thao tác, dễ bị thủng rách nhất. Vì thế độ dày của găng sẽ đại diện cho độ dày tại phần ngón của găng tay. Đó cũng là lý do vì sao mà độ dày mỏng của găng tay lại ảnh hưởng khá lớn đến thao tác và độ nhạy xúc giác.
Với nhu cầu về độ nhạy, độ linh hoạt thao tác khác nhau của nhiều ngành nghề, mỗi ngành thường sẽ chuộng sử dụng găng tay với các mức độ dày như sau:
– 2 mil – 4 mil: nha sĩ
– 3 mil – 5 mil: y tế, bệnh viện
– 1,5 mil – 2,5 mil: dịch vụ ăn uống
– 5 mil – 7 mil: công nhân công nghiệp, các ngành cơ khí, máy móc
Với những người làm trong dịch vụ ăn uống, như phục vụ hay chế biến thực phẩm nấu sẵn thì chỉ cần một hàng rào cơ bản nên thường sẽ dùng găng tay mỏng nhất. Y bác sĩ, nha sĩ sẽ dùng loại găng cỡ vừa, nó sẽ đủ dày để chịu được lực kéo, đâm và vẫn đủ mỏng để đảm bảo độ nhạy của bàn tay. Riêng với công nhân làm trong các ngành công nghiệp, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tay khỏi những vật sắc nhọn nên họ sẽ dùng loại găng tay dày nhất có thể.
Tầm quan trọng của độ dày găng tay
Không chỉ riêng găng tay nitrile mà loại găng tay nào cũng vậy, độ dày sẽ có tác động khá lớn đến từng mục đích công việc khác nhau. Găng tay mỏng có độ nhạy cao hơn, rất quan trọng với những công việc đòi hỏi có độ chính xác cao. Do mỏng nên găng cũng sẽ nhẹ hơn, dễ chịu với những ai cần một lớp bảo vệ mà phải đeo găng trong thời gian dài, giảm tiết mồ hôi tay.
Găng tay dày sẽ sử dụng nhiều chất liệu hơn một chút, nhưng đồng nghĩa nó cũng sẽ chắc chắn hơn. Nó sẽ là sự lựa chọn ổn áp cho những công việc cần chống đâm thủng như người làm trong lĩnh vực y tế hoặc làm trong lĩnh vực cơ khí, máy móc. Riêng với găng tay nitrile thì dày hơn đồng nghĩa với khả năng chống hóa chất tốt hơn, hiểu đơn giản là do dày hơn nên thời gian để hóa chất “xuyên qua” sẽ càng lâu. Nên nhân viên phòng lab hoặc nhân viên vệ sinh cũng sẽ sử dụng găng tay dày.
Nhìn chung, độ dày mỏng của găng tay ảnh hưởng khá nhiều đến tính linh hoạt của chúng đối với người sử dụng. Ngoài độ nhạy xúc giác, tính linh hoạt thì độ dày cũng ảnh hưởng một chút đến việc mang và tháo găng. Vậy nên, tùy vào mục đích sử dụng và yêu cầu công việc mà chọn cho bản thân loại găng tay có độ dày phù hợp.